TUYÊN QUANG: ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG LÀM THAY ĐỔI DIỆN MẠO NÔNG THÔN

Nhằm mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về kiên cố hóa kênh mương; bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên giai đoạn 2016-2020. Với phương châm “Nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ”, Nghị quyết đã nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, sau 5 năm triển khai, Nghị quyết đã mang lại diện mạo mới cho những vùng quê ở tỉnh miền núi Tuyên Quang.

Làng quê “thay áo mới”

Để hiểu rõ hơn về việc triển khai đưa Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang vào cuộc sống, chúng tôi tìm về xã Thái Bình – xã mới đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình cho biết: Những năm trước đây, điều kiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã còn nhiều hạn chế. Do đó, khi Nghị quyết được ban hành và triển khai đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của nhân dân địa phương. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp của người dân, đến nay Thái Bình đã hoàn thành lắp đặt trên 3,4 km kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, đảm bảo tỷ lệ 100% đất trồng lúa 02 vụ được tưới tiêu chủ động; xã đã bê tông hóa được hơn 2,9km (trên 75%) đường nội đồng đảm bảo việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi; 09/09 thôn có nhà văn hóa thôn gắn với sân thể thao đảm bảo quy mô diện tích theo quy định. Qua đó, tạo điều kiện giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đóng góp giúp xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Hồng Quảng, Trưởng thôn Hoắc, xã Thái Bình chia sẻ: Nhà văn hóa cũ của thôn trước đây nằm xa vị trí trung tâm, được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp không đảm bảo được chức năng sử dụng. Do đó, năm 2018, khi được tỉnh hỗ trợ cấu kiện đúc sẵn để làm nhà văn hóa, 100% hộ dân trong thôn đã đóng góp đủ số tiền quy định để xây dựng nhà văn hóa gắn với sân thể thao, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân trong thôn. Thôn Hoắc hiện có 83 hộ dân, thôn không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng…

Không chỉ riêng xã Thái Bình, Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 22-5-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang cũng được triển khai sâu rộng đến tất cả các thôn, bản trên địa bàn tỉnh và mang lại những hiệu quả tích cực. 

Ông Hoàng Văn Sâm, thôn Đồng Quắc, xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) chia sẻ: Trước đây, cánh đồng của người dân trong thôn luôn trong tình trạng thiếu nước sản xuất, năng suất lúa đạt thấp, nhiều vụ còn bỏ hoang. 3 năm trở lại đây, nhờ được đầu tư 574 m kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, cánh đồng hơn 13 ha của thôn đã đảm bảo nước tưới chắc cho 2 vụ lúa và một vụ màu. Nhân dân trong thôn phấn khởi lắm vì nước tưới tiêu thuận lợi, người dân có điều kiện tăng gia sản xuất nâng cao thu nhập…

“Ý Đảng lòng dân”

Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết: Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết đến toàn bộ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt ba Ðề án: Kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2016-2025; Ðề án bê-tông hóa đường giao thông nội đồng giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025; Ðề án xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên giai đoạn 2016 – 2025; ban hành chính sách hỗ trợ để thực hiện các mục tiêu Nghị quyết đề ra, chính sách phù hợp với khả năng huy động nguồn lực của nhân dân với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch đầu tư, xây dựng các công trình hằng năm để có kế hoạch triển khai thực hiện. 


Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng đang sản xuất cấu kiện kênh mương bằng bê tông đúc sẵn để cung cấp cho các địa phương.

Ðể bảo đảm nguồn cung cấp cấu kiện bằng bê tông đúc sẵn đảm bảo chất lượng cho các địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ban hành chỉ tiêu kỹ thuật và tổ chức đấu thầu công khai, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực cung ứng sản phẩm cấu kiện kênh mương, cấu kiện nhà văn hóa bằng bê tông đúc sẵn chất lượng cao. Qua đó, lựa chọn nhà thầu Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng. Ðây là đơn vị có kinh nghiệm xây dựng công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng. 

Ông Lê Cảnh Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng cho biết: Công ty được thành lập từ năm 1993. Năm 2015, Công ty là đơn vị đầu tiên và duy nhất đến nay của tỉnh Tuyên Quang được Viện Khoa học công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) chuyển giao công nghệ sản xuất bê tông cốt sợi thép phân tán mác 500. Ðể đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cấu kiện nhà văn hóa, cấu kiện mương parabol thành mỏng chất lượng cao, cốt sợi thép phân tán mác 500, Công ty đã đầu tư 118 tỷ đồng trong giai đoạn 1 để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị sản xuất đại trà sản phẩm mương parabol phục vụ công trình thủy lợi, cấu kiện làm nhà văn hóa và các cấu kiện bê tông đúc sẵn như cống, rãnh thoát nước phục vụ công trình giao thông nhằm cung cấp cho thị trường. Trong quá trình thực hiện, công ty luôn tuân thủ chỉ dẫn kỹ thuật của các chuyên gia đầu ngành của Viện Khoa học Công nghệ xây dựng. Công ty đã sản xuất thành công mương parabol thành mỏng, chất lượng cao, cốt sợi thép phân tán mác từ 500 đến mác 550 bằng các vật liệu địa phương, đã tạo ra sản phẩm được các chủ đầu tư, các ban, ngành và nông dân đánh giá cao về chất lượng, sự tiện lợi trong lắp đặt, tháo dỡ, di chuyển… cho nên được ứng dụng rộng rãi trên toàn tỉnh.


Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng sản xuất cấu kiện kênh mương bằng bê tông đúc sẵn để cung cấp cho các địa phương

Không chỉ cung ứng cấu kiện, Công ty còn cử cán bộ kỹ thuật xuống tận thôn, bản để hướng dẫn bà con nhân dân cách lắp đặt kênh mương đúc sẵn, cách xây dựng nhà văn hóa từ cấu kiện đúc sẵn… Qua đó, kịp thời lắng nghe ý kiến đóng góp và mong muốn của người dân để công ty tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các sản phẩm, cung cấp cho người dân những sản phẩm tốt nhất. Từ sản xuất bê tông cốt sợi thép phân tán mác 500, đến nay, Công ty đã được Viện khoa học công nghệ xây dựng và Viện vật liệu xây dựng hợp tác chuyển giao công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm bê tông siêu tính năng ( UHPC ) có cường độ kháng nén tương đương mác 1.800 kg/cm2 đến 2.000 kg/cm2 được ứng dụng rộng rãi trong các công trình giao thông trọng điểm của quốc gia điển hình như công trình sửa chữa cầu Thăng Long.

Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong 5 năm (2016 -2020), tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành đưa vào sử dụng trên 944km kênh bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, nâng tổng số kênh được kiên cố hóa toàn tỉnh dự kiến đến hết năm 2020 lên trên 2.871,82km/3.712,39km, vượt 7,36% mục tiêu Nghị quyết; hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 470 km đường nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, nâng tổng số đường nội đồng được bê tông hóa toàn tỉnh dự kiến đến hết năm 2020 lên gần 702,906km/1.639,46km, vượt 7,87% mục tiêu Nghị quyết; hoàn thành đưa vào sử dụng 550 nhà nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên, nâng tổng số nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định toàn tỉnh dự kiến đến hết năm 2020 lên 1.183 nhà/1.739 nhà, vượt 28,02% mục tiêu Nghị quyết. Tổng kinh phí đầu tư thực hiện ba công trình này ước khoảng hơn 1.366 tỷ đồng. Trong đó: Nhà nước hỗ trợ: 928,594 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 437,742 tỷ đồng. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo các làng quê, đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện giúp người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung theo hướng trang trại, gia trại; góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương…

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết thêm: Để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống trước tiên phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền để toàn thể cán bộ, đảng viên, và nhân dân hiểu rõ được mục tiêu, ý nghĩa và phương thức thực hiện, nhằm tạo nên sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia; có chính sách hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của người dân và điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp khả năng huy động nguồn lực và theo tinh thần dân chủ, tự nguyện. Đồng thời, hướng dẫn của ngành, liên ngành phải bảo đảm kịp thời, thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, nội dung hướng dẫn phải phù hợp điều kiện và năng lực thực tế của địa phương, nhất là trình tự, thủ tục, hồ sơ đầu tư xây dựng tại cơ sở phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện từ bước lập kế hoạch đến khảo sát, thiết kế, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán... 

Quá trình triển khai thực hiện cần có sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy Ðảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể; sự phối hợp của các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố trong công tác tham mưu, hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và khắc phục các bất cập ở cơ sở. Ðặc biệt, phải công khai kế hoạch huy động, tổ chức thực hiện và kết quả đầu tư để nhân dân biết, dân bàn..., tạo điều kiện cho mọi người cùng tham gia quản lý, giám sát theo quy chế dân chủ ở cơ sở…

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, thực hiện các giải pháp hỗ trợ theo các đề án đã được phê duyệt để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới…

Bài, ảnh: Phạm Yến/vanhien.vn

Tin cùng chuyên mục